Khẩn trương triển khai các nguồn quỹ, thúc đẩy tiến độ dự án

6 tháng qua, Dự án AMD Bến Tre đã tập trung điều phối các hoạt động theo kế hoạch công tác và ngân sách (AWPB) và hỗ trợ kỹ thuật nhằm hướng đến các nhóm đối tượng hưởng lợi của Dự án. Các hoạt động nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) được tiếp tục triển khai, làm tiền đề thúc đẩy thực hiện sâu rộng các quỹ đầu tư nhằm hỗ trợ sinh kế ổn định, tăng thu nhập cho các nhóm đối tượng hưởng lợi.

Người dân nuôi cua biển thương phẩm tại xã An Điền
huyện Thạnh Phú – Mô hình được đầu tư từ Quỹ CFAF

 

TRIỂN KHAI CÓ HIỆU QUẢ CÁC NGUỒN QUỸ

Về phát triển các nghiên cứu, mô hình canh tác thích ứng với BĐKH, dự án đã tổ chức và hỗ trợ kỹ thuật cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện tổ chức 23 lớp tập huấn, đào tạo nâng cao kiến thức về BĐKH và kỹ thuật sản xuất, với 2.234 người tham dự; trong đó có 619 nữ, 556 hộ nghèo.

Tiếp tục thực hiện 20 mô hình thích ứng với BĐKH chuyển tiếp từ năm 2016, 2017. Tính đến nay, có 41 mô hình được triển khai với 290 người tham gia; trong đó, có 28 mô hình đã kết thúc và nhân rộng. Đã hỗ trợ kỹ thuật cho 164 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp xã lồng ghép yếu tố BĐKH và 6 huyện: Thạnh Phú, Ba Tri, Giồng Trôm, Chợ Lách, Châu Thành, Mỏ Cày Bắc lập kế hoạch cấp huyện.

Đối với quỹ tín dụng nông thôn, đã thành lập mới 77 nhóm tín dụng tiết kiệm với 409 thành viên; trong đó, có 117 thành viên là hộ nghèo, 326 thành viên nữ. Tính từ đầu dự án đến nay, có 1.635 nhóm tín dụng tiết kiệm với 6.886 thành viên; trong đó, có 2.473 thành viên là hộ nghèo, 5.763 thành viên nữ. Tổng số vay vốn xoay vòng từ đầu dự án đến nay là 108,8 tỷ đồng.

Quỹ đồng tài trợ, có 85 tiểu dự án mới được phê duyệt nhằm thực hiện các hoạt động đầu tư sinh kế phù hợp, giúp tạo việc làm và giảm nghèo. Tính từ đầu dự án có 439 tiểu dự án đã được cấp vốn tài trợ với 2.562 người hưởng lợi. Quỹ hợp tác công tư có 5 thỏa thuận hợp tác công tư (PPP) đã được ký kết giữa doanh nghiệp (DN) và dự án trong các lĩnh vực sản xuất đất sạch, heo sạch, chuỗi liên kết nghêu và sản xuất nấm. Quỹ hạ tầng thích ứng gắn với phát triển chuỗi giá trị, có 11 công trình đã được triển khai thực hiện như đê bao, đường giao thông, hệ thống thoát nước phục vụ sản xuất, dân sinh.

Về lao động việc làm, đã mở các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất do các DN tham gia PPP và 85 tiểu dự án được tài trợ từ quỹ đồng tài trợ đã góp phần tạo ra 914 việc làm mới trong năm 2018. Qua các khóa đào tạo và việc tham gia thực hiện các mô hình được tài trợ từ dự án, các lao động nông thôn được nâng cao tay nghề, kỹ năng làm việc và có việc làm lâu dài tại các cơ sở, DN tại địa phương, hộ gia đình, giúp tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

TĂNG TỐC THỰC HIỆN DỰ ÁN

Mục tiêu của dự án là tạo sinh kế bền vững cho người nghèo nông thôn trong môi trường thay đổi. Tuy nhiên, cuối năm 2017 có 3.518 hộ nghèo, cận nghèo có chỉ số sở hữu tài sản được cải thiện ít nhất 25%. Năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm 20,26% theo chuẩn cũ tại 30 xã dự án. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm xuống còn 17,38% theo chuẩn mới; có 9.522 người nghèo, cận nghèo tăng tối thiểu 30% chỉ số thích ứng với BĐKH; 7,777 triệu USD được đầu tư vào cơ sở hạ tầng, các hệ thống canh tác thích ứng với BĐKH và các DN ở các xã dự án.

Năm 2018 là năm đầu tiên sau giám sát giữa kỳ và là năm quan trọng trong cả giai đoạn triển khai dự án. Do vậy, Ban điều phối dự án tập trung rà soát tất cả kết quả đạt được ngay từ khi triển khai, so sánh, đối chiếu với mục tiêu và kỳ vọng đặt ra cho cả vòng đời dự án để có định hướng chung cho giai đoạn còn lại. Ban điều phối cũng đang tập trung và tăng tốc thực hiện có hiệu quả các hoạt động dự án. Tiếp tục hỗ trợ sáng kiến của cộng đồng tác động đến phát triển nông thôn, nhân rộng các mô hình thành công cho nhóm yếu thế và hộ nghèo. Đồng thời, nghiên cứu và ứng dụng các mô hình mới trong điều kiện BĐKH. Chủ trì, điều phối khẩn trương triển khai các nguồn quỹ đầu tư, thúc đẩy giám sát tiến độ thực hiện, giải ngân đúng nguồn vốn.

TIẾN VŨ