Hội thảo “Cải thiện quy hoạch cho đầu tư và tài chính khí hậu hỗ trợ hành động ứng phó biến đổi khí hậu tại địa phương”

Chiều ngày 31/10/2018, tại Hà Nội, Cục Biến đổi khí hậu - Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chương trình định cư con người Liên Hợp quốc (UN-Habitat) tổ chức Hội thảo “Cải thiện quy hoạch cho đầu tư và tài chính khí hậu hỗ trợ hành động ứng phó biến đổi khí hậu tại địa phương” với sự tham dự của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức, chuyên gia trong và ngoài nước, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố.

Hội thảo xoay quanh Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và vai trò của các địa phương trong quá trình thực hiện các mục tiêu, cũng như bối cảnh đầu tư và tài chính khí hậu mà chính quyền địa phương cần cân nhắc.

Quan cảnh buổi Hội thảo

Theo bà Chu Thị Thanh Hương - Cục Biến đổi khí hậu: Thích ứng với biến đổi khí hậu là trọng tâm với nguồn lực chủ yếu từ ngân sách Nhà nước, bao gồm cả hỗ trợ quốc tế. Việt Nam đang nỗ lực thực hiện thỏa thuận Pari về biến đổi khí hậu với nội dung chính của kế hoạch là giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; thực hiện các cam kết thích ứng phó với biến đổi khí hậu; chuẩn bị nguồn lực về con người, công nghệ và tài chính để thực hiện; thiết lập và vận hành hệ thống công khai, minh bạch nhằm giám sát, đánh giá việc thực hiện thích ứng, giảm nhẹ và chuẩn bị nguồn lực; xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách tạo lập môi trường thuận lợi, tập trung nỗ lực quốc gia cho ứng phó biến đổi khí hậu.

Theo ông Michael Krakowski, Đại diện Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ): để tăng cường tác động của các chiến lược bền vững, cần phải tăng cường liên kết giữa xây dựng ngân sách và chiến lược; Biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh ưu tiên lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể là áp dụng các tiêu chí báo cáo và xây dựng ưu tiên cho các hoạt động xanh. Nguồn lực không chỉ từ Chính phủ mà cần huy động các nguồn lực quốc tế, cần có nghị định hoặc quy định để huy động trái phiếu Chính phủ nhằm thu hút thêm nguồn lực đầu tư, nhưng quan trọng nhất là chúng ta phải cải thiện hiệu quả đầu tư công.

Ông Michael Krakowskitrình bày báo cáo tại Hội thảo

Hội thảo cũng nêu: Đánh giá dự án và phân luồng tài chính cho Chương trình hỗ trợ ứng phó với BĐKH (SP-RCC); Thúc đẩy hành động ứng phó BĐKH thông qua lồng ghép vào quy trình lập kế hoạch và ngân sách ở cấp địa phương;.. là cơ hội cho đại biểu học hỏi và trao đổi thông tin và kinh nghiệm thực tiễn chiến lược hành động nhằm giải quyết vấn đề đầu tư tài chính khí hậu ở cấp địa phương, với cơ chế và điều kiện hiện có./.

bdkhtravinh.vn