GIỚI THIỆU DỰ ÁN AMD

  1. Tổng quan Dự án Thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long (AMD) tại tỉnh Bến Tre:
  1. Tên Dự án

Tên tiếng Việt: Dự án Thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Bến Tre (gọi tắt là Dự án AMD Bến Tre).

Tên tiếng Anh: Adaptation to climate change in the Mekong Delta in Ben Tre Province (gọi tắt là AMD Ben Tre).

Dự án Thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Bến Tre được Quỹ Quốc tế về Phát triển Nông nghiệp (gọi tắt là IFAD) tài trợ cho Bến Tre và Trà Vinh. Dự án được chính thức phê duyệt qua Hiệp định tài trợ số hiệu: IFAD Loan 2000000433 và ASAP Grant 2000000434 giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Quỹ Quốc tế về Phát triển nông nghiệp ngày 28 tháng 3 năm 2014.

  1. Mục tiêu của Dự án

Mục tiêu tổng quát là nhằm xây dựng các hoạt động đầu tư sinh kế bền vững cho người nghèo nông thôn trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Mục tiêu cụ thể là nhằm xây dựng năng lực cho cộng đồng nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện thu nhập qua tham gia vào các hoạt động kinh tế có thể ứng phó với biến đổi khí hậu.

  1. Phạm vi Dự án

Về nâng cao nhận thức, phổ biến tri thức, cung cấp thông tin về biến đổi khí hậu, về nâng cao năng lực lập kế hoạch có lồng ghép yếu tố biến đổi khí hậu… được thực hiện không giới hạn trong phạm vi các xã Dự án, mà mở rộng trên địa bàn tỉnh, trừ Thành phố Bến Tre.

Về đầu tư “phần cứng” gồm đầu tư từ các quỹ tín dụng, hợp tác công tư, xây dựng mô hình thích ứng, hỗ trợ hộ nghèo, nông dân: được thực hiện tại 30 xã của 8 huyện gồm huyện Thạnh Phú, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách, Giồng Trôm, Ba Tri, Bình Đại và Châu Thành. Xã Dự án được chọn lựa dựa theo các tiêu chí như sau:

Tiêu chí lựa chọn các xã Dự án AMD như sau:

  • Tiêu chí 1- Bị tác động bởi các yếu tố BĐKH: xã bị tác động nhiều bởi các yếu tố BĐKH, cụ thể như: mức độ nhiễm mặn, triều cường, hạn hán, dịch bệnh do thay đổi thời tiết, xói lở, mưa trái mùa, lốc xoáy, bão, nắng nóng kéo dài;
  • Tiêu chí 2 - Tỉ lệ hộ nghèo cao: xã tham gia Dự án có tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ mức bình quân chung của huyện trở lên;
  • Tiêu chí 3 – Tiềm năng phát triển nông nghiệp và các cơ hội kinh doanh: tỉ lệ dân sống nhờ vào nông nghiệp cao, điều kiện hạ tầng kinh tế nông thôn còn hạn chế, các xã xây dựng và thực hiện Chương trình Nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2020.
  • Tiêu chí 4 – Năng lực quản lý: Ủy ban nhân dân xã, các đoàn thể quần chúng thể hiện tính sẳn sàng tham gia thực hiện Dự án, có kinh nghiệm trong tiếp nhận các chương trình, dự án tương tự (ví dụ như dự án DBRP).
    1. Thời gian thực hiện Dự án: 6 năm, từ năm 2014 đến 2020.
    2. Nhóm mục tiêu của dự án:

Dự án AMD tập trung hỗ trợ trực tiếp cho nhóm hộ nghèo nông thôn (bao gồm cận nghèo), hộ nông dân, nhóm hợp tác (CIG), cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp.

Nhóm mục tiêu ưu tiên gồm:

  • Hộ nghèo (cận nghèo) không có đất hoặc phương tiện sản xuất khác;
  • Hộ nghèo (cận nghèo) có đất và phương tiện sản xuất;
  • Hộ thu nhập thấp, thiếu kỹ năng và phương tiện sản xuất;
  • Hộ do nữ làm chủ hộ.

Đối tượng thụ hưởng: Dự án kỳ vọng đem lợi ích tối thiểu 40.000 người nghèo và cận nghèo nông thôn của 12.000 hộ trong tỉnh.  Khoảng 2.000 người được đào tạo nghề và có việc làm mới từ các đầu tư nông nghiệp và phi nông nghiệp. Cán bộ của Sở Kế hoạch và Đầu tư (DPI), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (DARD), Sở Tài nguyên Môi trường (DONRE) và cán bộ cấp xã, huyện cũng sẽ được nâng cao năng lực. Ngoài ra, tất cả người dân của tỉnh sẽ thụ hưởng từ việc quản lý BĐKH tốt hơn qua các chính sách thích ứng thông minh và lồng ghép BĐKH vào kế hoạch phát triển KTXH hàng năm.

  1. Các Hợp phần Dự án:

Dự án gồm 3 hợp phần, mỗi hợp phần gồm 2 tiểu hợp phần. Phương thức tiếp cận chung dựa vào nhu cầu thích ứng với BĐKH từ cộng đồng, tập trung hỗ trợ người nghèo và mang tính phân cấp để duy trì kết quả bền vững. Các công cụ chính nhằm đạt được mục tiêu tổng thể và mục tiêu cụ thể là: Tăng cường năng lực thể chế và kế hoạch quản lý thích ứng với BĐKH; Nâng cao hiệu quả và tính bền vững các mô hình đầu tư thích ứng với BĐKH.

1.6.1 Hợp phần 1: Xây dựng năng lực thích ứng với BĐKH

Mục tiêu của Hợp phần này là nhằm xây dựng, phát triển toàn diện khung quản lý thích ứng với BĐKH qua sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức nhà nước.  Hợp phần này nhằm tăng cường kiến thức và phát triển các mô hình sinh kế khả thi trong tình hình BĐKH. 

Hợp phần này gồm có 2 tiểu hợp phần.

  1. Tiểu hợp phần 1.1- Nâng cao kiến thức về BĐKH: Tiểu hợp phần này tập trung vào: (a) Xây dựng nền tảng cho sự thích ứng thông qua nghiên cứu, xây dựng các mô hình thích ứng; (b) giám sát chất lượng nước và cảnh báo độ mặn; và (c) quản lý và tuyên truyền, phổ biến tri thức.
  1. Tiểu hợp phần 1. 2 - Lập kế hoạch có tính đến yếu tố BĐKH: Tiểu hợp phần này tập trung vào: (a) Xác định hoạt động quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng dựa trên cộng đồng và (b) Lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tính đến yếu tố biến đổi khí hậu và xây dựng chính sách.

1.6.2 Hợp phần 2: Đầu tư cho sinh kế bền vững

Mục tiêu của Hợp phần 2 là nâng cao tính bền vững và hiệu quả của các khoản đầu tư thích ứng với BĐKH. Hợp phần này cung cấp các nguồn lực nhằm giúp chính quyền và tư nhân nhân rộng kết quả của các nghiên cứu, mô hình thích ứng và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tính đến yếu tố BĐKH đã được xây dựng ở Hợp phần 1.

Hợp phần này gồm các Tiểu hợp phần sau:

  1. Tiểu hợp phần 2.1: Tài chính nông thôn để cải thiện sinh kế. Tiểu hợp phần này tập trung vào: (a) Thành lập các nhóm tín dụng tiết kiệm; (b) Chuyển đổi hệ thống tín dụng xã hội thành tổ chức tài chính vi mô và (c) Cấp vốn tín dụng cho mô hình thích ứng và các hoạt động đầu tư theo chuỗi giá trị.
  1. Tiểu hợp phần 2.2- Đồng tài trợ cho các hoạt động thích ứng BĐKH. Tiểu hợp phần này tập trung vào: (a) Xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng BĐKH; (b) Đồng tài trợ cho sản xuất thích ứng BĐKH và (c) Hợp tác công-tư phát triển chuỗi giá trị trong môi trường thay đổi.

1.6.3 Hợp phần 3- Quản lý Dự án

Mục tiêu của Hợp phần là nhằm điều phối, quản lý và thực hiện tốt, hiệu quả Dự án AMD theo mục tiêu, kết quả đã xác định. Đồng thời, điều phối hỗ trợ các cơ quan thực hiện các cấp về thực hiện Dự án AMD; nâng cao năng lực điều phối chương trình, dự án cho các cơ quan nhà nước các cấp.

Các hoạt động chính bao gồm:

  • Thành lập Ban điều phối dự án các cấp để điều phối, quản lý, giám sát thực hiện và đánh giá hoạt động Dự án ở các cấp.
  • Xây dựng kỹ năng và kiến thức quản lý cho các cán bộ dự án các cấp; Điều phối sự tham gia của các bên liên quan cấp tỉnh và huyện để thực hiện Dự án.
  • Theo dõi, đánh giá và báo cáo kết quả, mục tiêu đạt được của Dự án.
    1. Mối liên kết giữa các Hợp phần:

Hợp phần 1 là xây dựng nền tảng kiến thức, tri thức, chương trình, kế hoạch cho các nhóm thụ hưởng về biến đổi khí hậu; các nghiên cứu ứng dụng thích ứng với BĐKH, xây dựng năng lực thể chế, năng lực cộng đồng để tăng cường khả năng thích ứng hiệu quả với BĐKH. Hợp phần 2 là đầu tư, thực hiện từ kết quả nghiên cứu ứng dụng của Hợp phần 1; giúp các nhóm hộ dân, người nghèo thực hiện chuỗi các hoạt động hiệu quả và bền vững vào các hoạt động sinh kế thích ứng trong điều kiện BĐKH. Hợp phần 3 nhằm trang bị kỹ năng, kiến thức về quản lý, điều phối dự án, sử dụng các nguồn đầu vào hiệu quả để đạt kết quả và mục tiêu Dự án, giúp các cơ quan điều phối các cấp điều phối tốt AMD.

  1. Phương pháp tiếp cận của Dự án:  Dự án áp dụng phương pháp dựa vào cộng đồng, phân cấp thực hiện và lồng ghép vào các chương trình, dự án có cùng mục tiêu trên cùng địa bàn để tối ưu hóa các nguồn nhằm tác động các nhóm mục tiêu, phát triển nông thôn và giảm nghèo. Dự án tiếp cận theo phương pháp chuỗi trong các hoạt động hỗ trợ: từ nghiên cứu, đánh giá đến xây dựng kế hoạch chương trình, áp dụng thí điểm, thực nghiệm, đánh giá kết quả và phổ biến nhân rộng các kết quả (nghiên cứu, mô hình, tri thức). Trong hỗ trợ sản phẩm cụ thể, Dự án tiếp cận theo phương pháp chuỗi giá trị (từ đầu vào đến đầu ra, thị trường). Trong phương pháp tiếp cận, đối tượng mục tiêu là chủ thể (phân tích nhu cầu) và tổ chức thực hiện. Do mục tiêu và cách tiếp cận giống nhau, Bến Tre và Trà Vinh sẽ tăng cường điều phối, chia sẻ những tri thức, mô hình thích ứng tốt cho cộng đồng.  Dự án khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp tham gia cung cấp và liên kết các hoạt động, dịch vụ giúp người nghèo thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu.