Thời gian qua, việc nghiên cứu, tìm ra những giống vật nuôi, cây trồng thích hợp trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn, góp phần giải quyết vấn đề sinh kế cho người dân là một trong những mục tiêu chính của Dự án AMD Bến Tre. Theo đó, nuôi vịt biển là mô hình mới được Dự án thực hiện thử nghiệm tại xã An Hiệp, huyện Ba Tri. Qua khảo sát, trên địa bàn có rất nhiều hộ dân sinh sống bằng nghề chăn nuôi vịt. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng hạn hán, nước mặn xâm nhập, thiếu hụt nguồn nước ngọt phục vụ nhu cầu chăn nuôi đã ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của người dân. Vì vậy, cần nghiên cứu tìm ra giống vật nuôi có khả năng thích nghi với sự thay đổi của khí hậu, đồng thời phù hợp với điều kiện môi trường tự nhiên, thời tiết, khí hậu của địa phương, qua đó giúp người dân hạn chế những rủi ro xảy ra, nâng cao nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống. Theo đó, Dự án AMD Bến Tre phối hợp với Chi Cục Chăn nuôi và Thú Y Bến Tre triển khai thực hiện mô hình nuôi vịt biển thích ứng với biến đổi khí hậu, tại xã An Hiệp.
Đối với con giống vịt biển, theo Chi cục nuôi và Thú Y Bến Tre đây là sản phẩm do Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên (thuộc Viện Chăn nuôi – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) nghiên cứu và chọn tạo thành công. Giống vịt này nằm trong danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Vịt biển có khả năng thích ứng được với tình trạng biến đổi khí hậu. Đặc biệt là đối với môi trường nước ngọt, mặn và lợ. Hiện nay, giống vịt biển được nuôi hiệu quả tại nhiều tỉnh, thành, tiêu biểu như: Kiên Giang, Tiền Giang, Trà Vinh, Khánh Hòa, Ninh Bình...
Theo đó, mô hình nuôi vịt biển được triển khai tại 10 hộ dân xã An Hiệp, mỗi hộ được hỗ trợ 300 con. Đây là những hộ dân trước đây có thực hiện hoạt động chăn nuôi vịt, đồng thời có đất, chuồng nuôi vịt, kinh phí đối ứng, cũng như sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn thực tế cho các hộ có nhu cầu nuôi sau khi kết thúc mô hình. Tổng nguồn vốn đầu tư mô hình hơn 373 triệu đồng, trong đó dự án AMD hỗ trợ 165 triệu đồng, phần còn lại do người dân đối ứng. Tham gia mô hình các hộ dân được dự án hỗ trợ không thu hồi 100% chi phí mua con giống, 30% chí phí thức ăn, 30% chi phí vacxin tiêm phòng và thuốc thú y.
Sản xuất vịt biển giống từ mô hình nuôi vịt biển thương phẩm
Sau thời gian nuôi, kết quả cho thấy, so với giống vịt tại địa phương trong cùng thời gian nuôi, thì vịt biển tăng trọng nhanh, tỷ lệ hao hụt thấp, thích hợp với môi trường nước mặn và nước lợ. Trong quá trình nuôi không phát sinh các trường hợp dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nếu người dân chịu khó áp dụng theo đúng quy trình kỹ thuật từ khâu chọn giống đến chăm sóc, giữ gìn vệ sinh môi trường, đặc biệt là khâu tiêm chủng luôn được đảm bảo… như vậy sẽ mang lại hiệu quả. Đặc biệt, người nuôi cần lưu ý, thời gian đầu khi vận chuyển con giống từ xa về địa phương cần được theo dõi, chăm sóc, che chắn chuồng trại giữ ấm nhằm giảm tỷ lệ hao hụt.
Các hộ nuôi cho biết, qua thời gian nuôi từ 55 đến 60 ngày, mỗi con vịt biển đạt trọng lượng khoảng 2,5 – 2,6 kg. Bên cạnh sinh trưởng, phát triển nhanh, vịt biển có thể đẻ trứng chỉ sau 5-6 tháng nuôi với năng suất từ 240-245 trứng/con/năm. Hiện nay, với giá bán giao động từ 37 - 43.000 đồng/kg nên lợi nhuận mang lại khá cao. Tuy nhiên, người dân cần lưu ý, do vịt biển thích nghi tốt với phương thức chạy đồng và sử dụng thêm các loại phụ phẩm như: rau, lúa, cám, chuối, hèm và thức ăn công nghiệp… nếu như người dân tận dụng tốt các yếu tố này sẽ cho thu nhập cao hơn.
Nhằm nâng cao hiệu quả mô hình, chính quyền địa phương xã An Hiệp cũng đã đề xuất dự án AMD và Chi Cục Chăn nuôi và Thú Y Bến Tre hỗ trợ giới thiệu đầu ra sản phẩm, cũng như tiếp tục thử nghiệm mô hình nuôi vịt đẻ trứng và ấp nở nhằm giảm giá thành mua con giống. Đồng thời phối hợp với Hội cựu chiến binh triển khai nuôi vịt biển kết hợp với nuôi cá và nuôi lươn sinh sản, góp phần hình thành chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân trên cùng đơn vị diện tích.
Ông Phạm Kim Thành – Trưởng phòng Quản lý giống và kỹ thuật nuôi - Chi cục chăn nuôi và Thú y Bến Tre cho biết, trong điều kiện biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi và xâm nhập mặn như hiện nay, việc nghiên cứu, chọn ra giống vật nuôi phù hợp là vấn đề vô cùng quan trọng và cần thiết. Sau khi tổng kết mô hình, trên cơ sở kết quả đạt được sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền về hoạt động chăn nuôi vịt biển ứng phó với khí hậu tại địa phương; đồng thời tiếp tục nhân rộng mô hình trên các địa bàn các xã ven biển của 3 huyện: Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú.
Có thể nói, mô hình nuôi vịt biển thích ứng với biến đổi khí hậu tại xã An Hiệp huyện Ba Tri là một giải pháp, hướng đi mới, ngoài giúp người dân đa dạng vật nuôi còn góp phần tăng thêm nguồn thu nhập. Đặc biệt, mô hình có khả năng thích nghi cao với những vùng ven biển khi nguồn nước ngọt, nước lợ ngày càng trở nên khan hiếm. Vì vậy, cần có giải pháp phù hợp, tiếp tục tập huấn chuyển giao kỹ thuật, cũng như liên kết tìm đầu ra ổn định, nhân rộng mô hình.