Bến Tre là tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích 2.360 km2, do phù sa của 04 nhánh sông bồi tụ thành. Bến Tre nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa cận xích đạo với 02 mùa mưa nắng rõ rệt, khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm. Do đó, Bến Tre là một trong những tỉnh có diện tích trồng cây ăn trái lớn ở đồng bằng sông Cửu Long. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre có khoảng 33.000 ha cây ăn trái (ngoài dừa): cây trồng chủ lực chiếm 29.000 ha, với sản lượng đạt 303.206 tấn/năm. Trong đó, 5.300 ha chôm chôm, chiếm khoảng 70% diện tích chôm chôm của cả vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, diện tích cho thu hoạch 5.100 ha, năng suất 21,9 tấn/ha, sản lượng hàng năm đạt gần 112.000 tấn (theo thống kê của Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre năm 2016).
Chôm chôm của Bến Tre ngoài việc đưa đi xuất khẩu và tiêu thụ ở nhiều nơi, các cơ sở sản xuất tại tỉnh còn dùng để chế biến thành Mứt Chôm Chôm, lượng vỏ bỏ ra thông thường thải trực tiếp ra môi trường; nếu không được quan tâm đúng mức phần thải này có thể trở thành nguồn gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường sống xung quanh, tệ hơn là tác động tiêu cực đến sức khoẻ con người. Do đó, việc tận dụng tốt nguồn vỏ chôm chôm để phục vụ trở lại cho sản xuất nông nghiệp của người dân có ý nghĩa quan trọng cả về kinh tế và môi trường.
Qua nghiên cứu thực tiễn, một cơ sở sản xuất Mứt chôm chôm có lượng thải ra mỗi ngày khoảng 500 – 600 kg vỏ, là nguyên liệu giàu phospho (lân) và kali, và một số thành phần khoáng khác có lợi cho cây trồng. Trước thực trạng trên, cuối năm 2018, Dự án AMD Bến Tre đã phối hợp với cơ sở sản xuất mứt chôm chôm và nhóm giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu xây dựng quy trình xử lý vỏ chôm chôm kết hợp phế phẩm nông nghiệp như mụn dừa, mụn cưa,… thành phần hữu cơ đã được triển khai thành công ở cơ sở sản xuất mứt chôm chôm ở Huyện Châu Thành.
Quy trình ủ phân hữu cơ từ vỏ chôm chôm như sau:
Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu
- Vỏ chôm chôm, được băm nhỏ đến kích thước cạnh dưới 01 cm.
- Mụn dừa nguyên liệu từ hộ gia đình đã được xay nhỏ.
- Men vi sinh Trichoderma sau khi được tăng sinh khối
Bước 2: Quá trình ủ
Toàn bộ khoảng 500 kg vỏ chôm chôm sau khi xay nhuyễn được trộn với 150 kg mụn dừa, Hình 1).
Lấy 0.5 lít dung dịch Trichoderma (Chuẩn bị: 1kg men nền cám + 0.5 kg rỉ đường + 20 Lít nước -> ủ trong 3 ngày khi thấy dung dịch sủi bọt khí và dung dịch có màu vàng đồng là có thể sử dụng) + 20 L nước và phun lên đống hỗn hợp vỏ chôm chôm + mụn dừa.
Điều chỉnh lượng nước đảm bảo độ ẩm của hỗn hợp khoảng 50 – 55 % (bóp mạnh tay thấy vừa ứa nước hoặc rơi 1 đến 2 giọt).
Bước 3: Kiểm tra độ chín và chất lượng của đống ủ
Đống ủ được đảo trộn bằng xẻng sau mỗi 5 – 7 ngày để tăng lượng oxy cho vi sinh phát triển và thúc đẩy quá trình chuyển đổi sinh học (trong trường hợp mùa nắng, nhiệt độ cao thì quá trình khuấy trộn cần được thực hiện thường xuyên hơn sau mỗi 3 đến 4 ngày. Kiểm tra độ ẩm và cần thiết phải bổ sung thêm nước để độ ẩm đạt 50 – 55% đảm bảo phân có được chất lượng tốt và hạn chế quá trình thất thoát chất dinh dưỡng do phân huỷ nhiệt).
Mẫu ủ được kiểm tra độ chín bằng cách kiểm tra độ tơi của đống ủ: sau 28 ngày khi độ tơi của phân đạt yêu cầu (nhiệt độ ổn định từ 30 đến 40 oC, sờ không thấy cảm giác bỏng rát, phân ủ tơi có màu đen thì đống ủ chín) phân có thể mang ra sử dụng.
Bước đầu triển khai cho thấy vấn đề môi trường xung quanh cơ sở được giải quyết, không còn mùi do vỏ chôm chôm bị phân huỷ gây ra, lượng phân bón làm ra mang bón trở lại cho vườn làm cho đất tơi xốp hơn, cây phát triển bình thường so với việc bón phân hóa học trước đây, cơ sở đã tiết kiệm được một lượng phân bón đáng kể từ việc ủ phân từ vỏ chôm chôm. Dự án AMD và hộ phối hợp nghiên cứu sẽ tiếp tục theo dõi sự phát triển của cây và tài liệu hóa hoạt động ủ phân này để giúp cho các hộ dân nhân rộng trong thời gian tới.