Đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất để thích ứng biến đổi khí hậu

Thời gian qua, biến đổi khí hậu (BĐKH) tại tỉnh Bến Tre diễn ra rất gay gắt nên nông dân đang dần thay đổi phương thức sản xuất để thích ứng. Trong đó, các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) trong nuôi tôm càng xanh và tưới nước nhỏ giọt trên cây xoài tại huyện Thạnh Phú được Dự án thích ứng biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL tại Bến Tre (AMD Bến Tre) hỗ trợ mang lại hiệu quả bước đầu khả quan.

 

Đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất để thích ứng biến đổi khí hậu

Mô hình nuôi tôm càng xanh thích ứng với BĐKH bước đầu mang lại hiệu quả cao.

Đầu tư máy ép sấy sản xuất thức ăn cho tôm

Hiện tại, huyện Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre) có hơn 8.000ha nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến với đối tượng chủ yếu là tôm sú, tôm càng xanh, cua... đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống kinh tế của người dân. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế mang lại không cao do năng suất thấp, giá thành thức ăn cao, thức ăn chế biến theo cách truyền thống chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật nuôi, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường ao nuôi.

Năm 2017, năm hộ dân tại ấp Thạnh Hưng (xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú) được dự án AMD Bến Tre hỗ trợ thực hiện mô hình “ứng dụng kỹ thuật ép sấy trong làm thức ăn tự chế phục vụ nuôi tôm càng xanh toàn đực” đạt hiệu quả cao hơn rất nhiều so với cách nuôi truyền thống.

Trong đó, dự án hỗ trợ hơn 257 triệu đồng và vốn của dân đối ứng hơn 407 triệu đồng để thực hiện. Cả năm hộ dân nuôi tôm càng xanh đều được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, con giống, thức ăn, máy ép sấy thức ăn...

Với mô hình thí điểm này, mỗi gia đình sẽ nuôi với diện tích 8.000m2, được dự án hỗ trợ 25.000 con giống tôm càng xanh toàn đực, 50% chi phí thức ăn, 50% vôi... để nuôi. Nguyên liệu được được thu gom từ những nông, thủy sản sẵn có của địa phương như: cám gạo, cá tạp, bột mì, ruốc, đầu tôm... để sản xuất thức ăn viên bằng máy ép sấy. Nhờ được dự án hỗ trợ máy ép cho năm hộ sử dụng nên đã tiết kiệm rất nhiều chi phí và nhân công chế biến thức ăn...

Gia đình ông Nguyễn Văn Nam, một trong năm hộ dân được dự án AMD Bến Tre hỗ trợ kỹ thuật, kinh phí để thực hiện mô hình. ông Nam cho biết: “Trước đây, gia đình tôi nuôi tôm càng xanh tốn rất nhiều thời gian do phải nấu thức ăn tự chế và bảo quản không được lâu. Đồng thời, nguồn con giống lộn xộn cả đực và cái nên tôm cái trưởng thành ôm trứng trọng lượng khá thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Khi thực hiện mô hình, được dự án hỗ trợ kỹ thuật, vốn và máy ép sấy để chế biến thức ăn bảo quản lâu nên mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước đây”.

Kỹ sư Nguyễn Hữu Nam, Chủ nhiệm dự án nhận định: “Hệ thống máy ép sấy thức ăn là giải pháp tối ưu để giúp người nuôi thủy sản ít tốn thời gian chế biến thức ăn và tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương nên giúp tiết kiệm 30 đến 50% chi phí về thức ăn. Bên cạnh đó, kích cỡ viên thức ăn đồng đều và phù hợp với từng cỡ tôm so với cách chế biến thức ăn theo kiểu truyền thống là hấp, vò viên sẽ giúp tôm bắt mồi đồng đều và tránh tình trạng dư thừa thức ăn gây lãng phí và ô nhiễm môi trường ao nuôi”.

Từ hiệu quả bước đầu, dự kiến thời gian tới, địa phương sẽ nhân rộng mô hình góp phần đưa kỹ thuật mới đến với người nông dân nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập.

Nông dân được đầu tư máy ép sấy sản xuất thức ăn nuôi tôm.

Áp dụng kỹ thuật tưới nước nhỏ giọt trên cây xoài

Trước đây, gia đình ông Mai Thanh Triển, ngụ ấp Thạnh Lộc (xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú) canh tác một héc-ta xoài cát tứ quý phải tốn rất nhiều nước tưới, công chăm sóc nhưng hiệu quả mang lại không cao. Nguồn nước ngầm từ giồng cát cũng cạt kiệt dần do khô hạn. Năm 2017, ông là một trong 10 hộ dân tại địa phương được dự án AMD Bến Tre hỗ trợ đầu tư mô hình tưới tiết kiệm nước và dinh dưỡng trên cây xoài. Gia đình ông Triển đầu tư 13 triệu đồng cộng với nguồn vốn của dự án hỗ trợ 11 triệu đồng để xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt gồm: tháp cao, bồn chứa, đường ống quanh vườn xoài rộng 2.000m2.

Ông Triển cho biết: “Mô hình này rất tuyệt vời, giúp nông dân tiết kiệm rất nhiều từ nguồn nước tưới, công chăm sóc, phân bón... Sắp tới, tôi sẽ đầu tư để nhân rộng ra toàn bộ diện tích khoảng một héc-ta của gia đình vì hiệu quả mang lại rất cao”.

Mô hình mới chỉ được triển khai gần một năm nhưng mang lại hiệu quả rất khả quan do có hiệu quả rõ rệt cả về năng suất và chất lượng cây trồng, kiểm soát dịch hại và thời điểm thu hoạch.

Kỹ sư Nguyễn Ngọc Tuấn, cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Thạnh Phú cho biết: “Mô hình này sẽ trang bị cho nông dân hệ thống đường ống chung quanh vườn, bộ hút để người dân có thể pha phân bón từ bồn theo đường ống tưới nhỏ giọt khắp khu vườn. Cách làm này giúp nông dân giảm chi phí tưới, công chăm sóc và tiết kiệm nước”. Hiện tại, mô hình này được xem là giải pháp tối ưu giúp tăng năng suất, giảm giá thành trong điều kiện nắng nóng gay gắt, thiếu nước ngọt như hiện nay.

Giám đốc Dự án AMD Bến Tre, Nguyễn Khắc Hân cho rằng: “Dự án rất quan tâm hai mô hình này và thông qua các quỹ đầu tư của dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật cho các hộ dân có nhu cầu nhân rộng. Từ thành công ban đầu, dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ mở rộng mô hình giúp đưa kỹ thuật mới đến với người nông dân nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người lao động; đưa nhanh các tiến bộ khoa học ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, nhân rộng mô hình cho nhiều hộ dân khác cùng tham gia đầu tư phát triển sản xuất. Đồng thời, hình thành chuỗi liên kết trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có chất lượng ngày càng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường và thích ứng với BĐKH”.

Mô hình tưới nhỏ giọt trên cây xoài giúp tiết kiệm nước, thích ứng BĐKH.

HOÀNG TRUNG