AMD Bến Tre trao vốn cho khởi nghiệp

Từ đầu năm 2018 đến nay, Ban điều phối Dự án AMD (PCU) Bến Tre ước đã trao 18 tỷ đồng cho 65 tiểu dự án ở 8 huyện trên địa bàn tỉnh từ Quỹ đồng cấp vốn (CFAF).

Sản xuất cây giống là một trong những dự án được cấp vốn từ CFAF. Ảnh: C.Trúc

 

Sản xuất cây giống là một trong những dự án được cấp vốn từ CFAF. Ảnh: C.Trúc

Các dự án điển hình như sản xuất kẹo, may gia công, nuôi gà trên đệm lót sinh học, sản xuất cây giống, dịch vụ thợ nề, làm nem, mứt chôm chôm, trồng cây đinh lăng… Trong đó, có nhiều dự án khởi nghiệp (KN) được cấp vốn hàng tỷ đồng.

Để tạo nguồn vốn dồi dào cho hoạt động KN trên địa bàn tỉnh, Hội đồng Tư vấn KN và phát triển doanh nghiệp (DN) tỉnh đã huy động nhiều nguồn vốn, từ việc thành lập Quỹ đầu tư KN; kêu gọi các ngân hàng thương mại tích cực hưởng ứng chương trình Đồng khởi KN bằng cách tích cực cho vay dành cho người KN; linh hoạt đồng vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia… đến mời gọi nhà đầu tư “thiên thần”. Nguồn vốn từ CFAF và Quỹ hợp tác công tư (PPP) từ PCU Bến Tre được xem là nơi đang “rộng cửa” chờ rót vốn cho các dự án KN trên địa bàn tỉnh.

Đặc điểm CFAF là tập trung vào hỗ trợ đầu tư các dự án gắn với thích ứng biến đổi khí hậu. Với quỹ này, hộ nghèo, cận nghèo, hộ do phụ nữ làm chủ hộ có thể dễ dàng tiếp cận để KN, đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững. Mức hỗ trợ lên đến 50% dự án, mức này tối đa là 30 triệu đồng. Đối tượng được hỗ trợ chỉ cần đáp ứng 50% còn lại, trong tổng số 50% này, chỉ cần 20% tiền mặt và 80% là vật chất như công cụ sản xuất, đất đai…

Đối với hộ khá giàu muốn KN, mức hỗ trợ của CFAF có thể lên đến mức tối đa 100%. Với điều kiện đối tượng được hỗ trợ phải tạo ra ít nhất 20 việc làm cho 20 lao động là người nghèo, cận nghèo và phụ nữ làm chủ hộ. Đối với tổ hợp tác (20 - 25 thành viên) sẽ được CFAF hỗ trợ lên đến mức 750 triệu đồng. Với điều kiện, tổ này có 50% thành viên là hộ nghèo, cận nghèo và phụ nữ làm chủ hộ.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2018, PPP đã làm việc với các DN mới có nhu cầu tiếp cận PPP và phê duyệt đầu tư 5 DN (trong đó có các DN KN) như: Công ty TNHH MTV Đất sạch Phú Hưng Thịnh, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Việt Tâm, Công ty cổ phần chế biến thủy sản Hưng Trường Phát, DN tư nhân Đồng Hữu Thắng, Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại dịch vụ Nấm Tấn Bửu. Ước giải ngân 6 tháng đầu năm đạt 4,1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, PCU cũng tổ chức hỗ trợ các dự án, các DN giải quyết việc làm, tập huấn, hội thảo, xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu sản phẩm…

Ông Nguyễn Khắc Hân - Giám đốc PCU Bến Tre cho biết, sắp tới, PPP tập trung tài trợ cho những DN trong và ngoài tỉnh muốn đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại 30 xã dự án của tỉnh. Hoạt động đầu tư bao gồm thu mua nguyên liệu, đầu tư nhà máy chế biến sản phẩm, giải quyết việc làm. Mức hỗ trợ thấp nhất là 15 ngàn USD, tương đương 49%. Số tiền hỗ trợ có thể lên đến mức cao nhất là 100 ngàn USD cho mỗi dự án. Theo đó, PPP sẽ chi 60% tổng mức hỗ trợ cho dự án đầu tư nhà xưởng, máy móc, dây chuyền công nghệ; 40% chi đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho DN, người dân trong phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường. Với điều kiện, các dự án phải có tối thiểu 51% chi phí cho toàn dự án.

“PCU Bến Tre đang tập trung triển khai giải ngân vốn đến hết năm 2019. Các dự án KN, DN, người nghèo, cận nghèo, phụ nữ làm chủ hộ có điều kiện đối ứng và mong muốn tiếp cận vốn hãy mạnh dạn đến PCU Bến Tre để trao đổi, nắm bắt thông tin, hoàn chỉnh dự án theo hướng dẫn để được hỗ trợ” - ông Nguyễn Khắc Hân lưu ý.

Nhiên Luận