“Chung sống” với biến đổi khí hậu

Những năm qua, nông dân tỉnh Bến Tre chủ động tái cơ cấu nông nghiệp nhằm thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH)…

Đầu tư khoa học công nghệ

Gần đây, dự án thích ứng BĐKH vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Bến Tre (AMD Bến Tre) đã đầu tư khoa học - kỹ thuật với mô hình tưới tiết kiệm nước và dinh dưỡng trên cây xoài tại xã Thạnh Phong (huyện Thạnh Phú), phát huy hiệu quả cao.

Dự án AMD Bến Tre hỗ trợ hơn 111 triệu đồng và vốn đối ứng của các hộ dân là 130 triệu đồng để thực hiện mô hình. Ông Mai Thanh Triển, ngụ ấp Thạnh Lộc (xã Thạnh Phong), một trong 10 hộ dân được hưởng lợi từ dự án cho biết: “xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt gồm: tháp cao, bồn chứa, hộ thống đường ống quanh vườn xoài rộng 2.000 m2. Cách làm này mang lại hiệu quả rất cao do tiết kiệm được nguồn nước, phân bón, công lao động. Trong điều kiện nguồn nước ngọt khan hiếm do BĐKH như hiện nay thì mô hình này rất thích hợp để nhân rộng. Sắp tới, gia đình tôi sẽ tự đầu tư để xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt cho toàn bộ diện tích gần một ha đang trồng xoài tứ quý vì hiệu quả rất cao”.

Kỹ sư Nguyễn Ngọc Tuấn, cán bộ Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Thạnh Phú (người trực tiếp thực hiện mô hình) cho biết, trong mùa khô ở vùng ẩm ướt hay trong vùng có khí hậu khô hạn, hệ thống tưới tiết kiệm nước và dinh dưỡng có hiệu quả rõ rệt cả về năng suất và chất lượng cây trồng, kiểm soát dịch hại và thời điểm thu hoạch. Với lực lượng lao động hiện có, người nông dân có thể mở rộng thêm diện tích trồng xoài và nhân rộng mô hình này trong điều kiện biến đổi khí hậu dẫn đến khan hiếm nguồn nước ngọt như hiện nay.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Tỉnh Bến Tre đang thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Từ năm 2015 đến năm 2017, tổng diện tích chuyển đổi khoảng 7.461,17 ha, chủ yếu từ lúa sang trồng cây hàng năm, cây ăn trái và đất lúa sang trồng lúa kết hợp với nuôi tôm.

Tại nhiều vùng, người dân đã chủ động chuyển đổi nhằm thích ứng với BĐKH. Gia đình ông Nguyễn Văn Lanh, ngụ ấp 5 (xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm) đã chuyển đổi 2.000 m2 đất trồng lúa sang trồng dừa và cỏ từ năm 2017. Ông Lanh cho biết: “Hai năm liên tiếp 2016 và 2017, nước mặn xâm nhập vào nội đồng làm toàn bộ diện tích bị mất trắng. Ngay sau đó, gia đình tôi liên liếp trồng dừa, khi dừa còn nhỏ tôi trồng xen cỏ để nuôi bò”. Theo ông Lanh, vùng này nhiều gia đình cũng chuyển sang trồng dừa kết hợp với trồng cỏ nuôi bò vì mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so trồng lúa. Ông Lê Văn Thuận, Chủ tịch Hội nông dân xã Bình Thành cho biết: “Diện tích lúa của địa phương giảm từ 1.050 ha xuống còn 980 ha, chủ yếu sang trồng dừa kết hợp với trồng cỏ để chăn nuôi bò”.

Hiện tại, nhiều địa phương ở huyện Giồng Trôm như: Hưng Nhượng, Châu Bình, Tân Thanh… cũng có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng khá lớn. Tại xã Châu Bình, diện tích lúa hiện chỉ còn 185 ha, giảm hơn 70 ha so năm trước. Diện tích mía cũng giảm xuống chỉ còn 22 ha, chỉ còn khoảng 10 % so với năm 2012. Bà Đinh Thị Thanh Nhanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giồng Trôm cho biết: “Nếu như 5 năm trước, tổng diện tích lúa khoảng 4.500 ha thì hiện nay giảm xuống chỉ còn 2.200 ha. Các loại cây trồng được chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa như: dừa, bưởi da xanh, chanh, hoa màu…”.

Các địa phương khác như: Ba Tri, Thạnh Phú, Bình Đại, Mỏ Cày Nam… cũng có sự chuyển đổi nhằm thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, Nguyễn Hữu Lập cho rằng: BĐKH ngày càng diễn ra gay gắt và tỉnh Bến Tre là một trong những địa phương chịu tác động nặng nề nhất. Trên cơ sở BĐKH, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120, tỉnh Bến Tre đã cụ thể hóa Nghị quyết bằng việc tập trung đề ra định hướng để phát triển thích ứng với BĐKH.

HOÀNG TRUNG