Hiệu quả từ một dự án
Tháng 4/2014, Dự án AMD Bến Tre được chính thức khởi động, triển khai thực hiện. Dự án do Quỹ phát triển nông nghiệp Quốc tế (IFAD) tài trợ, thực hiện trong thời gian 6 năm, từ 2014 đến 2020, cho 30 xã của 8 huyện. Tổng mức vốn đầu tư là 24,66 triệu USD; bao gồm: vốn vay IFAD 11 triệu USD, vốn tài trợ IFAD 6 triệu USD, vốn đối ứng Chính phủ 3,780 triệu USD và vốn đối ứng của người hưởng lợi 3,880 triệu USD.
Mục tiêu tổng thể của dự án là xây dựng sinh kế bền vững cho người nghèo ở nông thôn trong điều kiện môi trường thay đổi; nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng để tăng cường khả năng ứng phó với BĐKH, góp phần giảm trên 60% hộ nghèo trong vùng dự án. Đối tượng của dự án là: hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ do nữ làm chủ, hộ nông dân, nhóm hợp tác và cộng đồng doanh nghiệp nông thôn…
Ông Nguyễn Khắc Hân, Giám đốc Dự án AMD Bến Tre cho biết: Qua 3 năm triển khai thực hiện, dự án đi đúng trọng tâm và phát huy tác dụng, nhất là về phạm vi, quy mô và tác động vào nhóm đối tượng mục tiêu. Đến nay, dự án cơ bản đã đáp ứng mục tiêu, đạt nhiều kết quả hữu hiệu trên các lĩnh vực tác động trong điều kiện thích ứng với BĐKH.
Nhìn chung, các hoạt động được tập trung triển khai đạt kết quả khá tốt ở tất cả 3 hợp phần (Xây dựng năng lực thích ứng BĐKH; Đầu tư cho sinh kế bền vững; Quản lý Dự án) tính cả về số lượng và chất lượng. Các khóa tập huấn được triển khai thực hiện nhằm nâng cao năng lực, hiểu biết và ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống của cán bộ và người dân về thích ứng BĐKH, đáp ứng được nhu cầu phục vụ sản xuất và dân sinh.
Kết quả qua nửa chặng đường
Theo ông Nguyễn Khắc Hân, tính đến nay, đối với 3 mục tiêu cụ thể, có 2 mục tiêu đạt gần 100%, đó là lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội có lồng ghép yếu tố BĐKH cấp xã/huyện và số hộ nghèo/cận nghèo tăng tối thiểu 30% chỉ số thích ứng với BĐKH. Trên từng hợp phần, tiến độ và kết quả thực hiện được đánh giá là đạt yêu cầu, đạt được một số kết quả cụ thể trên từng lĩnh vực, có tác động tích cực và lan tỏa ngoài vùng dự án. Công tác quản lý, điều phối dự án, bao gồm quản lý tài chính có hiệu quả và được tổ chức tốt.
Đa số các hoạt động có hiệu quả như áp dụng kiến thức sau đào tạo, năng suất cây trồng, vật nuôi cao hơn khi chưa có Dự án. Hầu hết các nhóm hưởng lợi được hỗ trợ thực hiện mô hình nông nghiệp có kết quả khá tốt. Các tổ nhóm tín dụng, tổ nhóm sản xuất kinh doanh được hình thành và đi vào hoạt động đạt hiệu quả bước đầu. Các hộ nghèo, hộ phụ nữ được ưu tiên tham gia hưởng lợi đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tổ hợp tác, hợp tác xã được dự án đầu tư có lợi nhuận khá, đã làm tăng thu nhập cho hộ nghèo và cận nghèo từ 800.000đ đến 3,5 triệu đồng/tháng.
Tổ chức 150 cuộc hội thảo, tập huấn, đào tạo các kiến thức về BĐKH, kỹ thuật sản xuất, khuyến nông… với 6.283 người tham dự; trong đó 2.494 nữ, 1.980 nghèo. Thực hiện 15 mô hình thích ứng với BĐKH được triển khai, có 03 mô hình đã tổng kết đánh giá kết quả và tập trung nhân rộng. Xây dựng 150 bản kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cấp xã lồng ghép yếu tố BĐKH đã được xây dựng tại 30 xã Dự án và 120 xã/thị trấn ngoài Dự án.
Bên cạnh đó, đã thực hiện hoàn thành 45 công trình hạ tầng thích ứng với BĐKH phục vụ tốt hơn cho sản xuất và dân sinh, giúp giảm thiểu tác động của BĐKH. Đến cuối năm 2017 có 1.489 nhóm tín dụng tiết kiệm với 6.103 thành viên; trong đó có 2.275 thành viên là hộ nghèo, 5.138 thành viên nữ với số tiền giải ngân khoảng 32,02 tỷ đồng. Đã có 354 tiểu dự án được tài trợ thực hiện các sinh kế nông nghiệp và phi nông nghiệp. 10 dự án đầu tư cho 10 doanh nghiệp theo mô hình hợp tác công tư được IFAD phê duyệt trong lĩnh vực liên kết thu mua, chế biến dừa, thủ công mỹ nghệ, may lều du lịch; liên kết chăn nuôi, sơ chế và tiêu thụ gia súc, rau sạch và trái cây, sản xuất đất sạch và phân trùng quế;…
“Nhìn chung, qua nửa chặng đường triển khai thực hiện, Dự án AMD Bến Tre được đoàn giám sát giữa kỳ, nhà tài trợ IFAD đánh giá là đạt yêu cầu, được các cấp, các ngành, địa phương, người dân đồng thuận và thực hiện khẩn trương. Khả năng đạt được các mục tiêu phát triển được đánh giá đạt yêu cầu, có sự tiến triển theo hướng đi lên trong việc thực hiện các kết quả dự án và dự kiến có khả năng cao sẽ đạt được mục tiêu khi hoàn thành vào năm 2020” - Giám đốc Dự án AMD Bến Tre Nguyễn Khắc Hân khẳng định.
Tiếp tục thực hiện trên tinh thần “tăng tốc”
Theo ông Nguyễn Khắc Hân, năm 2018 là năm đầu tiên sau giám sát giữa kỳ, được xem là năm quan trọng trong cả giai đoạn triển khai Dự án. Do đó, AMD Bến Tre sẽ rà soát tất cả kết quả đạt được ngay từ khi triển khai Dự án, so sánh, đối chiếu với mục tiêu và kì vọng đặt ra cho cả vòng đời Dự án để có định hướng chung cho thời gian nửa kỳ cuối của Dự án.
Qua đó, Ban Điều phối sẽ tập trung và tăng tốc thực hiện một cách trách nhiệm và hiệu quả, thực hiện gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng năng lực và đầu tư, giữa đầu vào và đầu ra hướng đến mục tiêu Dự án. AMD Bến Tre tiếp tục hỗ trợ các sáng kiến cộng đồng tác động đến phát triển nông thôn, nhân rộng các mô hình thành công cho nhóm yếu thế và hộ nghèo. Đồng thời nghiên cứu và ứng dụng các mô hình mới trong điều kiện BĐKH. Thực hiện hiệu quả các nguồn quỹ đầu tư, gắn kết với nguồn tín dụng của Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế; kiện toàn hệ thống điều phối, quản lý Dự án để thúc đẩy, giám sát tiến độ thực hiện, giải ngân đúng nguồn vốn.
Năm 2018, dự toán ngân sách theo Kế hoạch công tác và ngân sách là 163,6 tỷ đồng; trong đó, vốn vay IFAD 49,571 tỷ đồng, vốn tài trợ IFAD 56 tỷ đồng, vốn đối ứng Trung ương 21,55 tỷ đồng, vốn đối ứng tỉnh 6,174 tỷ đồng, và vốn đối ứng người hưởng lợi 30,25 tỷ đồng. Với nguồn vốn giải ngân, Dự án AMD Bến Tre sẽ tăng tốc thực hiện, kỳ vọng mang lại hiệu quả thiết thực tạo sinh kế cho người dân trong điều kiện ảnh hưởng của BĐKH.
Bạch Thanh - Báo mới