Dự án AMD hỗ trợ người dân thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) tại Bến Tre

VietGAP là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, sơ chế đảm bảo sản phẩm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khoẻ người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
VietGAP là một tiêu chuẩn tự nguyện nhằm hướng dẫn người sản xuất nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm trên cơ sở kiểm soát các mối nguy.
VietGAP (là cụm từ viết tắt của: Vietnamese Good Agricultural Practices) có nghĩa là Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam trên cơ sở 4 nhóm tiêu chí:
  1. Đảm bảo an toàn thực phẩm.
  2. Bảo vệ môi trường.
  3. Bảo đảm sức khỏe cho người lao động và phúc lợi xã hội.
  4. Bảo đảm chất lượng sản phẩm.
Mô hình sản xuất rau hữu cơ tại xã An Hiệp, huyện Ba Tri
Nhằm tạo ra sản phẩm an toàn và chất lượng, tạo lợi thế cạnh tranh, nâng cao thương hiệu của người sản xuất trong khuôn khổ dự án AMD Bến Tre, trong năm 2019, Ban Điều phối dự án AMD Bến Tre đã phối hợp với 02 Công ty: Công ty CP chất lượng và Đào tạo Tín Việt và Công ty CP chứng nhận Globalcert triển khai các hoạt động:
  1. Khảo sát, đánh giá vùng sản xuất/vùng chăn nuôi đưa ra các điểm không phù hợp, qua đó tư vấn hỗ trợ người sản xuất các biện pháp khắc phục;
  2. Đào tạo các yêu cầu theo quy trình sản xuất VietGAP;
  3. Tập huấn các tiêu chí theo quy trình sản xuất VietGAP trong trồng trọt và chăn nuôi;
  4. Xây dựng bộ tài liệu áp dụng đối với các mô hình trồng trọt và chăn nuôi theo VietGAP và hướng dẫn áp dụng đáp ứng theo yêu cầu của Quy trình sản xuất VietGAP;
  5. Biên soạn hệ thống tài liệu VietGAP, Lập các biểu mẫu ghi chép và hồ sơ pháp lý theo tiêu chuẩn;
  6. Đào tạo tập huấn: Áp dụng các tài liệu đã ban hành vào thực tế, Hướng dẫn ghi chép hồ sơ, lưu hồ sơ;
  7. Đào tạo đánh giá nội bộ theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng dẫn thực hiện đánh giá nội bộ và khắc phục sai lỗi;
  8. Đánh giá thử trước khi đánh giá chứng nhận và hướng dẫn khắc phục sai lỗi;
  9. Hướng dẫn khắc phục các sai lỗi sau khi đánh giá chính thức. Hoàn thiện hồ sơ đăng ký chứng nhận mô hình sản xuất tốt đối với trồng trọt và chăn nuôi; Tổ chức đánh giá sơ bộ đối với mô hình trồng trọt, chăn nuôi;
  10. Tổ chức lấy mẫu: Trồng trọt (đất trồng, nước tưới, sản phẩm); Chăn nuôi (mẫu thức ăn, mẫu nước thải);
  11. Tổ chức đánh giá chứng nhận; Thẩm xét hành động khắc phục, hồ sơ cấp chứng nhận và cấp chứng nhận đối với Trồng trọt, chăn nuôi;
Kết quả đạt được: 29 Tổ hợp tác/HTX với 288 hộ sản xuất trên địa bàn 08 huyện thuộc tỉnh Bến Tre đạt theo Tiêu chuẩn VietGAP, hiệu lực của giấy chứng nhận 02 năm kể từ ngày cấp giấy chứng nhận.
Việc thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP không khó vì người sản xuất cũng đã và đang thực hiện, khó khăn lớn nhất là làm sao cho tất cả những người nông dân ý thức được sản xuất an toàn cho người cho môi trường, việc lạm dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ sâu bệnh, thói quen rửa bình phun thuốc trên các ao hồ, sông suối, vức các chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng gây ra ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường không khí, làm ngộ độc các động vật thủy sinh và kể cả ngộ độc cho con người. Ngoài việc nâng cao ý thức của người sản xuất thì sản lượng và chất lượng sản phẩm cũng được gia tăng nhờ áp dụng đúng quy trình. Giấy chứng nhận VietGAP giúp họ cải thiện về mọi mặt, nâng cao chất lượng cuộc sống của người sản xuất.
Lương Thị Hồng Nguyên