Xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam, một xã nghèo nằm ven sông Hàm Luông và cách TP. Bến Tre khoảng 1 giờ đi xe, cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào cây dừa và chăn nuôi nhỏ lẻ. Từ năm 2015, tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn ra ngày càng khốc liệt trên địa bàn tỉnh, hạn mặn kéo dài, nắng nóng đã làm nhiều diện tích trồng dừa bị ảnh hưởng, không cho năng suất như trước đây. Lĩnh vực chăn nuôi, giá cả thị trường biến động, các mặt hàng như heo, gà bị giảm nặng. Từ đó, nhiều người dân nông thôn đã tự tìm công việc khác làm thêm như: các nghề phi nông nghiệp hay làm thuê trên các địa bàn lân cận.
MÔ HÌNH CỦA LÃO NÔNG TRÊN 70 TUỔI
Đầu năm 2017, Dự án AMD Bến Tre triển khai nhiều mô hình thích ứng với BĐKH như: nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa, giống lúa chịu mặn, mô hình tưới tiết kiệm, nuôi trùn quế... Tại xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam đã tiếp nhận vốn thực hiện mô hình nuôi trùn quế và lão nông nghèo trên 70 tuổi Nguyễn Văn Thêm đã quyết tâm đăng ký tham gia thực hiện mô hình. Với số vốn tích góp của gia đình, ông Thêm đầu tư nuôi bò vỗ béo. Để tận dụng nguồn phân bò có sẵn, ông nhận vốn của Dự án AMD để nuôi thêm trùn quế.
Cứ tưởng mô hình nhỏ lẻ này chỉ để giải quyết nguồn phân bò thải ra, tuy nhiên qua sáng tạo của mình, ông đã cho ra đời một hệ thống canh tác nông nghiệp hoạt động có hiệu quả thật sự. Ban đầu mô hình nuôi trùn quế của Dự án AMD đầu tư đã đem lại cho ông một số vốn nhờ vào bán trùn quế giống cho người dân xung quanh. Từ đây, ông mạnh dạn đầu tư nuôi ếch và nuôi tôm càng xanh trong các mương vườn nhà. Với mô hình tự phát theo suy nghĩ của mình, ông nuôi vỏn vẹn 500 con ếch, khoảng 700 con tôm càng xanh và nguồn thức ăn cho ếch và tôm là trùn quế. Ếch và tôm ông nuôi chỉ bán cho người dân xung quanh và chợ xã.
Thấy được ý tưởng và sự phát triển của hệ thống canh tác, có 2 hộ dân mua trùn quế giống từ ông đã liên hệ học hỏi kinh nghiệm và phối hợp thành lập nhóm nuôi ếch thịt ấp An Trạch Đông, xã Thành Thới A và ông cũng là thành viên.
PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH
Qua các buổi họp cộng đồng và triển khai nguồn Quỹ đồng tài trợ (CFAF) của Dự án AMD và với mục tiêu của nhóm muốn phát triển mô hình, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường, nhóm nuôi ếch thịt ấp An Trạch Đông đã tiếp cận được nguồn vốn. Các thành viên trong nhóm tận dụng ao hồ hiện có của gia đình, nạo vét và khai thông đường nước đảm bảo thông thoáng nước ra vô thường xuyên để tạo môi trường cho ếch phát triển khỏe mạnh. Mỗi thành viên nuôi 5.000 con ếch. Ếch giống được chọn mua tại các huyện lân cận, tổng cộng 15.000 con. Sau 3 tháng nuôi, trừ thức ăn cho ếch là phân trùn quế, trọng lượng của ếch khoảng 0,3kg/con và giá bán trung bình 35.000 đồng/kg. Số tiền thu được trên 42 triệu đồng. Trong đó, nhóm để dành vốn tái sản xuất vụ sau 19,7 triệu đồng (5,5 triệu đồng ếch giống, 10,2 triệu đồng thức ăn, 2 triệu đồng thuốc thú y và dự phòng 2 triệu đồng), nhóm còn thực lãi 22,8 triệu đồng.
Một người nông dân nghèo, tuổi đã cao và bằng sức lao động của mình, ông Thêm đã hình thành nên một hệ thống canh tác nông nghiệp phù hợp với người nghèo và thích ứng với BĐKH, sản phẩm này phục vụ cho nông sản khác, tạo sinh kế ổn định cho gia đình và lan tỏa ra cộng đồng. Theo ông Trần Văn Hùng - Trưởng nhóm nuôi ếch ấp An Trạch Đông, xã Thành Thới A: “Tôi rất khâm phục ông Thêm, vì tuổi đã cao nên ông đã từ chối làm tổ trưởng, chứ ý tưởng và kinh nghiệm, kỹ thuật của ông hơn tôi rất nhiều. Các thành viên trong nhóm đều là hộ nghèo của xã. Nhờ ý tưởng của ông Thêm và nguồn vốn của Dự án AMD đã giúp chúng tôi cải thiện sinh kế gia đình”.