Công ty TNHH Cao Hoàng Đạt ở xã Ngãi Đăng, huyện Mỏ Cày Nam, chuyên sản xuất, gia công hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa, lục bình, cói; dạy nghề và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi tại địa phương. Nguyên liệu sản xuất của doanh nghiệp (DN) chủ yếu là cọng dừa, lục bình. Bình quân mỗi năm, công ty sử dụng khoảng 75 tấn cọng dừa, khoảng 90 tấn lục bình.
NGUYÊN LIỆU DO NÔNG DÂN CUNG CẤP
Hiện nay, công ty thu mua nguồn nguyên liệu cọng dừa từ các hộ nông dân thuộc các xã An Thới, Thành Thới A, Tân Trung, Hương Mỹ, Minh Đức (Mỏ Cày Nam). Nguyên liệu lục bình thu mua của nông dân từ các xã Tân Trung, Thành Thới A (Mỏ Cày Nam); Vĩnh Bình (Chợ Lách) và một số địa phương ngoài tỉnh như: Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh…
Phương thức thu mua trực tiếp 50% từ các hộ nông dân, khoảng 200 - 300 hộ cung cấp nguyên liệu lục bình, 30 hộ cung cấp cọng dừa, phần còn lại thu mua qua 10 tổ thu gom, mỗi tổ có từ 1 - 3 hộ nông dân, khoảng 30 lao động. Tùy theo nhu cầu của các nhà xuất khẩu, các đối tác nước ngoài mà mỗi năm DN có thể sản xuất từ 100 - 150 mẫu mã sản phẩm các loại. Sản lượng năm 2015 đạt 35 ngàn sản phẩm từ cọng dừa và 135 ngàn sản phẩm từ lục bình. Có khoảng 85 - 90% mẫu mã sản phẩm được các nhà phân phối đặt hàng trực tiếp từ DN, 10 - 15% mẫu sản phẩm do DN tự thiết kế.
Năm 2015, doanh thu từ sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ khoảng 9 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2014. Sản phẩm tiêu thụ qua các công ty xuất khẩu thủ công mỹ nghệ ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tiền Giang; tiêu thụ chủ yếu ở thị trường nội địa và thị trường Mỹ, EU. Thực tế cho thấy, cơ hội dành cho người nghèo, cận nghèo trong chuỗi giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ sản xuất cọng dừa nằm ở khâu cung cấp nguyên liệu, khâu liên kết sản xuất và sản xuất tại ở công ty. Hiện trong chuỗi giá trị thì DN bán sản phẩm qua các nhà phân phối, công ty trung gian mà chưa thể tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng trong nước cũng như chưa bán hàng trực tiếp cho các đối tác nước ngoài. Do vậy, hiệu quả kinh tế đem lại cho DN chưa cao.
PHÁT TRIỂN CÁC TỔ LIÊN KẾT
Để mở rộng sản xuất, hướng đến xuất khẩu trực tiếp không qua trung gian, công ty cần đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa sản phẩm. Làm được việc này, cần đầu tư mới nhà xưởng, trang thiết bị sản xuất nhằm đáp ứng tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu quốc tế. Hoàn thiện hệ thống nhận diện thương hiệu, nâng cao năng lực cho đội ngũ kinh doanh nhằm đảm bảo đủ khả năng xuất khẩu trực tiếp sản phẩm cho các đối tác quốc tế.
Phát triển vùng nguyên liệu bền vững thông qua việc mở rộng số tổ, nhóm nông dân cung ứng nguyên liệu, tạo thêm việc làm cho nông dân, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo, nữ, thông qua liên kết sản xuất gia công các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cho công ty. Tiếp tục duy trì mối liên kết với 5 tổ sản xuất, khoảng 145 hộ nông dân cung ứng nguyên liệu, phát triển mới 7 tổ sản xuất, tương đương 198 hộ nông dân, tạo việc làm cho 23 lao động làm việc tại nhà máy, trong đó có 70% hộ nghèo, cận nghèo. Tăng nhanh doanh thu của DN qua việc mở rộng quy mô sản xuất, dự kiến sẽ tăng 232% trong 5 năm thực hiện dự án, thu nhập tăng thêm của hộ nông dân cung ứng nguyên liệu ít nhất 31 triệu đồng/năm.
Theo Giám đốc Công ty Cao Lê Hoàng Ân, để đạt mục tiêu trên, từ tháng 3-2016, công ty đã đầu tư xây dựng nhà xưởng mới tại xã An Định, huyện Mỏ Cày Nam với tổng diện tích 3.500m2, gồm kho chứa nguyên liệu, xưởng sản xuất, nhà đóng gói, phòng bảo ôn và bảo quản sản phẩm…, với tổng mức đầu tư 4,364 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn của công ty là 3,150 tỷ đồng, chiếm 72% tổng vốn đầu tư toàn dự án. Nguồn vốn Dự án AMD hỗ trợ 1,214 tỷ đồng, chiếm 28%, trong đó có sự hỗ trợ gián tiếp cho họ nông dân chiếm 41% và hỗ trợ trực tiếp cho DN chiếm 59% tổng mức đầu tư. Dự kiến doanh thu sẽ tăng trung bình qua các năm là 23% trong 5 năm thực hiện dự án. Doanh thu đạt thấp nhất là 10,3 tỷ đồng trong năm thứ nhất và cao nhất vào năm thứ 5 là 24 tỷ đồng.