Dự án thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long (thuộc Dự án AMD Bến Tre) là một trong những dự án tham gia giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động vùng nông thôn. Thông qua nguồn Quỹ hợp tác công tư (PPP), đã đầu tư cho 16 doanh nghiệp (DN) trong tỉnh có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh, kết nối thị trường trong và ngoài tỉnh. Nhiều DN tham gia xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản có giá trị kinh tế cao, liên kết tạo đầu ra cho nông sản ổn định hơn.
DOANH NGHIỆP TIẾP CẬN NGUỒN VỐN
Mục tiêu của nguồn quỹ này là hỗ trợ cho DN, hợp tác xã (HTX) đầu tư khai thác vùng nguyên liệu, sản phẩm chủ yếu của ngành nông nghiệp. Giúp các DN, HTX có điều kiện hoạt động tốt hơn, bền vững hơn tại vùng nông thôn. Qua đó, tạo cơ hội để nông dân tiêu thụ được nguyên liệu, giá sản phẩm được gia tăng, hỗ trợ cho người nghèo có thêm việc làm và tăng thu nhập, giúp công tác giảm nghèo bền vững hơn. Dự án được tổ chức triển khai thực hiện từ năm 2015 - 2019, tại 30 xã của vùng Dự án AMD Bến Tre trên 8 huyện với tổng vốn đầu tư 25 tỷ đồng. Dự án đầu tư tối đa 49% tổng vốn đầu tư, DN đối ứng thêm 51% tổng vốn đầu tư. Mức đầu tư cho một DN thấp nhất là 15.000 USD và cao nhất là 100.000 USD.
Để tạo điều kiện cho DN tiếp cận với nguồn vốn này, thời gian qua, Ban Điều phối Dự án AMD Bến Tre đã tập trung công tác tuyên truyền qua sổ tay PPP, tờ bướm và tiếp cận các DN thông qua 3 kênh chính như: phối hợp với các sở, ngành mời gọi DN đầu tư; thông qua các chương trình, sự kiện lớn của tỉnh, các sở, ngành và Ban Điều phối Dự án tổ chức có sự tham gia của các DN, HTX trong tỉnh; thông qua nhóm điều phối Dự án AMD các huyện. Điều rất đáng quan tâm là sau khi triển khai không lâu, đã có trên 500 DN, HTX được cung cấp thông tin về chương trình này, có 60 DN, HTX xã đã đăng ký tham gia. Ban Điều phối Dự án AMD Bến Tre đã tổ chức thẩm định, xét duyệt được 16 DN, HTX. Đặc biệt, từ chương trình này đã có 2.200 hộ được hưởng lợi như tham gia cung ứng nguồn nguyên liệu cho DN, HTX và giải quyết 1.200 việc làm thường xuyên, có thu nhập ổn định, trong đó có 1.100 hộ nghèo, 1.500 phụ nữ.
SỬ DỤNG HIỆU QUẢ NGUỒN VỐN
Điển hình như Công ty TNHH MTV Cao Hoàng Đạt (Mỏ Cày Nam), năm 2016, được Dự án AMD Bến Tre hỗ trợ đầu tư từ nguồn vốn Quỹ PPP sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ lục bình xuất khẩu. Tổng vốn đầu tư 4,7 tỷ đồng, trong đó vốn Dự án AMD hỗ trợ 1,2 tỷ đồng. Qua thời gian đầu tư, hiệu quả đem lại là rất khả quan. Nếu như trước đây công ty chỉ có 154 hộ nông dân tham gia liên kết, thu nhập bình quân 1,2 triệu đồng/tháng, hiện nay có 353 hộ tham gia liên kết với 200 sản phẩm, tham gia thị trường xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài, thu nhập bình quân của người lao động tăng lên 3 triệu đồng/tháng.
Công ty TNHH MTV đất sạch Phú Hưng Thịnh ở xã Phú Hưng, TP. Bến Tre được Dự án AMD Bến Tre đầu tư từ nguồn Quỹ PPP. Công ty hoạt động thu gom và xử lý hầu hết các nguồn nguyên liệu trong sản xuất như mụn dừa, tro trấu, vỏ trấu, nhất là nguồn nguyên liệu phân bò… để sản xuất các sản phẩm đất sạch, phân hữu cơ. Ngoài ra, công ty còn liên kết với Công ty rau sạch Việt Tâm sản xuất rau sạch cung ứng cho thị trường TP. Hồ Chí Minh. Qua đó, Công ty đất sạch Phú Hưng Thịnh đã giải quyết cho 158 hộ nông dân hưởng lợi, trong đó có 47 hộ nghèo, 45 là nữ làm chủ hộ; Công ty rau sạch Việt Tâm giải quyết cho 92 hộ hưởng lợi, trong đó có 30 hộ nghèo, 37 hộ do nữ làm chủ.
Theo Giám đốc Dự án AMD Bến Tre Lê Khắc Hân, thời gian tới, dự án sẽ ưu tiên hỗ trợ vốn cho các DN sản xuất tạo ra giá trị gia tăng cho các sản phẩm gắn với bao tiêu nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Chú trọng nâng cấp đa dạng sản phẩm, mở rộng liên kết thị trường, kết nối tín dụng cho DN có yêu cầu. Ưu tiên xem xét đầu tư giai đoạn 2 cho DN, HTX đáp ứng mục tiêu, tiêu chí của PPP. Đồng thời, đầu tư nâng tầm, nâng cấp hoạt động và hình ảnh của công ty, tạo sự khác biệt và nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN.