Dự án giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn qua mô hình tách vỏ tôm biển của Công ty TNHH TM Đồng Hữu Thắng ở huyện Mỏ Cày Nam được thực hiện với sự hỗ trợ từ Dự án AMD Bến Tre đã góp phần giải quyết được nhiều lao động nhàn rỗi ở nông thôn và tạo điều kiện tăng thu nhập cho từng hộ gia đình.
TẠO VIỆC LÀM CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN
Từ hộ kinh doanh cá thể chuyên chế biến tôm sắt biển, sau 9 năm hoạt động, hiện nay công ty đã thành lập cơ sở tách vỏ tôm biển tại xã Tân Trung và 1 chi nhánh tại xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày Nam, 1 chi nhánh tại Bình Thạnh, huyện Thạnh Phú. Công ty đã ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm ổn định với Công ty thực phẩm Gift of Nature tại TP. Hồ Chí Minh. Ngoài hiệu quả kinh tế trong sản xuất kinh doanh, công ty còn giải quyết việc làm ổn định cho 52 lao động nông thôn, đặc biệt là lao động nữ.
Tôm sắt biển có kích cỡ nhỏ nhưng thịt tôm rất chắc, có vị ngọt, được người tiêu dùng ưa chuộng. Bình quân 1 tháng, công ty thu mua khoảng 45 tấn. Sau khi mua, công ty tổ chức bóc tách vỏ phần đầu và lấy thịt phần thân. Bình quần 45 tấn tôm nguyên liệu sẽ cho ra 18 tấn tôm thành phẩm. Giá xuất tôm thành phẩm là 129 ngàn đồng/kg. Bình quân mỗi công nhân bóc tách khoảng 10kg/ngày với giá 16 ngàn đồng/kg. Vỏ tôm sau khi bóc tách bán cho các công ty chế biến thức ăn với giá bình quân 5 ngàn đồng/kg. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các công ty chế biến thực phẩm đông lạnh, bình quân mỗi năm khoảng 190 tấn đã được sơ chế. Hiện tại nguồn cung cấp nguyên liệu của doanh nghiệp chưa đáp ứng đủ số lượng mà Công ty thực phẩm Gift of Nature tại TP. Hồ Chí Minh yêu cầu. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng cũng như giải quyết thêm nguồn lao động nông thôn, công ty quyết định mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Dự kiến sẽ ký hợp đồng tăng sản lượng cung cấp từ 140 tấn lên 222 tấn/năm.
DOANH THU TĂNG BÌNH QUÂN 5%/NĂM
Để thực hiện dự án, công ty đã được Dự án AMD Bến Tre hỗ trợ vốn. Theo thỏa thuận, tổng mức đầu tư của dự án là 787,5 triệu đồng, trong đó nguồn vốn tự có của doanh nghiệp là 446,7 triệu đồng, chiếm 59% tổng vốn đầu tư. Các hạng mục đầu tư từ vốn tự có của doanh nghiệp gồm máy sản xuất nước đá được Công ty đầu tư từ năm 2015 phục vụ cho nhu cầu đông lạnh tôm nguyên liệu và tôm noãn. Thay mới hệ thống dây điện trong khu sản xuất của doanh nghiệp. Xây nhà để xe, nâng cấp đường bê-tông vào công ty, đầu tư bồn chứa nước và vốn lưu động xoay vòng. Nguồn vốn của Dự án AMD Bến Tre hỗ trợ 320,2 triệu đồng, chiếm 41,2% tổng vốn đầu tư. Các hạng mục gồm: nâng cấp hệ thống nhà xưởng hiện có, xây
dựng hệ thống xử lý nước thải, tập huấn kỹ thuật bóc, tách vỏ tôm, kiến thức an toàn thực phẩm, thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, mua sắm thiết bị bảo hộ lao động.
Theo Giám đốc Công ty Đồng Hữu Thắng, sau khi hoàn thành, dự án sẽ tăng sản lượng lên 17% vào năm thứ 2 và doanh thu tăng bình quân 5%/năm. Doanh nghiệp tạo việc làm ổn định, dài hạn cho 92 lao động nông thôn. Trong đó, có 22 lao động nghèo và cận nghèo, 90 lao động nữ, chủ yếu tại 30 xã vùng dự án. Trong điều kiện biến đổi khí hâu hiện nay làm ảnh hưởng đến kinh tế địa phương, trong đó ngành nông nghiệp, chăn nuôi chịu thiệt nặng nề nhất. Trong dự án này, doanh nghiệp sản xuất thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp, đầu tư mở rộng sản xuất nhằm tạo việc làm cho người lao động nông thôn không chỉ có việc làm ổn định mà còn là một trong những mô hình mang lại hiệu quả thiết thực và thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay. Mặt khác, lao động tại công ty không đòi hỏi trình độ cao, công việc không quá khó khăn.
“Mô hình đã bước đầu chứng minh được việc cải thiện thu nhập cho người lao động nông thôn, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo, hộ ít đất sản xuất. Trong tương lai, doanh nghiệp sẽ hướng tới mở rộng thêm quy mô sản xuất, kinh doanh để đáp ứng nhu cầu thị trường. Do vậy, khả năng thu hút thêm lao động là một trong những kế hoạch phát triển của công ty” - anh Đồng Hữu Thắng nhấn mạnh.