Dự án AMD Bến Tre, ngoài tham gia hỗ trợ cho nhiều công trình hạ tầng nông thôn, hỗ trợ vốn, các phương án sản xuất, kinh doanh hộ nghèo, cận nghèo, còn tích cực hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn, giúp nhiều hộ thoát nghèo bền vững. Một trong những doanh nghiệp tiêu biểu là Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ nấm Tấn Bửu, ấp Bình An A, thị trấn Chợ Lách.
GẦN 180 LAO ĐỘNG NÔNG THÔN CÓ VIỆC LÀM
Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ nấm Tấn Bửu đã thực hiện mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nấm bào ngư nhằm tạo thu nhập cho người nghèo ít đất sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu tại xã Hòa Nghĩa, Long Thới, Vĩnh Hòa (Chợ Lách). Đây là mô hình được đánh giá có nhiều tiềm năng đem lại thu nhập ổn định cho người nghèo ít đất sản xuất. Mô hình có tổng vốn đầu tư 3,638 tỷ đồng, trong đó được Dự án AMD Bến Tre đầu tư hỗ trợ 1,628 tỷ đồng. Dự án triển khai tạo việc làm cho khoảng 179 lao động nông thôn; trong đó, số lao động hiện tại của công ty là 17 lao động, số lao động mới 12 lao động và 150 lao động gián tiếp cung cấp nấm dài hạn cho công ty (có 56 lao động nghèo).
Ngoài ra, Dự án AMD còn hỗ trợ công ty mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng sản lượng sản xuất phôi nấm, liên kết tiêu thụ nấm bào ngư và bước đầu xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của công ty. Đồng thời, dự án còn góp phần nhân rộng mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu. Mô hình chi phí đầu tư thấp, không làm ô nhiễm môi trường, kỹ thuật trồng đơn giản, nhiều hộ nghèo, cận nghèo áp dụng được.
Hiện trên địa bàn huyện Chợ Lách còn một tỷ lệ lớn lao động nghèo, cận nghèo. Phần lớn các hộ này đều có rất ít hoặc không có đất sản xuất, thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào việc làm thuê cho các cơ sở sản xuất hoa kiểng, cây giống nhưng cũng với tính chất mùa vụ. Đặc biệt, trên địa bàn xã Hòa Nghĩa có một khu tái định cư cho người nghèo trước kia sống ven sông nhưng do điều kiện lở đất nên phải di dời nhà cửa. Năm 2017, Dự án AMD Bến Tre đã hỗ trợ cho một số hộ tại đây tiếp cận mô hình trồng nấm bào ngư. Mô hình bước đầu đã đem lại hiệu quả cao về mặt kỹ thuật và thu nhập rất tốt cho các hộ dân tham gia. Qua khảo sát, mô hình được đánh giá là rất có triển vọng trong thời gian tới cho các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo.
TẠO SINH KẾ CHO HỘ NGHÈO
Giám đốc Công ty sản xuất thương mại dịch vụ nấm Tấn Bửu Lê Thị Sáu cho biết: Công ty liên kết với nông hộ sản xuất nấm và hợp đồng bao tiêu 100% sản phẩm. Mục tiêu của dự án là mở rộng liên kết sản xuất, tạo việc làm mới cho các hộ nghèo, cận nghèo, qua đó giúp hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Sau 3 năm hoạt động, Công ty sản xuất thương mại dịch vụ nấm Tấn Bửu đã có 1 cơ sở sản xuất phôi nấm và trồng nấm ổn định, đồng thời có một khu trồng nấm linh chi trong nhà lưới. Thị trường tiêu thụ khá ổn định. Sau khi thu mua nấm của các nông hộ, công ty sẽ tiến hành sơ chế và đóng gói sản phẩm. Nấm được sắp xếp trong túi nhựa, sau đó bảo quản trong thùng xốp để giao đến các đối tác tiêu thụ: Siêu thị SatraFood thuộc Công ty thương mại Sài Gòn; chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn; các cửa hàng thực phẩm liên hợp tại Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ… Đối với phôi nấm, công ty đang ký kết hợp đồng với Công ty Tường Thiên Phú Xanh tại Cần Thơ, hợp tác xã trồng nấm tại Trà Vinh, các hộ trồng nấm tại Tiền Giang, Bến Tre. Trong năm 2017, công ty sản xuất khoảng 180 ngàn bịch phôi nấm, bình quân giá xuất bán cho nông dân khoảng 4.000 đồng/bịch phôi. Sản lượng phôi nấm tăng 30%, sản lượng nấm bào ngư thu mua và tiêu thụ tăng thêm 20% vào năm thứ 2, doanh thu tăng 2,1 tỷ đồng/năm.
Mô hình không đòi hỏi vốn đầu tư cao, không cần nhiều diện tích đất, đầu ra ổn định. Đặc biệt, mô hình phù hợp với hộ gia đình là hộ nghèo và khó khăn tại địa phương. Đây là mô hình hỗ trợ thoát nghèo hiệu quả, có thể tổ chức nhân rộng.