Hội thảo khởi động Dự án “Chiến lược truyền thông Kế hoạch Đồng bằng Sông Cửu Long”

Ngày 15/11/2017, tại Trường ĐHCT, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại Việt Nam và Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) tổ chức Hội thảo khởi động Dự án "Chiến lược truyền thông kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long", với sự tham dự của đại diện cơ quan lãnh sự quán Hà Lan tại Việt Nam, chuyên gia các tổ chức đối tác và lãnh đạo UBND các tỉnh; Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Hội nông dân các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Hội thảo là hoạt động nằm trong khuôn khổ thỏa thuận đối tác chiến lược, thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý nước giữa Chính phủ Việt Nam và Hà Lan với nguồn vốn tài trợ của Cơ quan doanh nghiệp Hà Lan. Hội thảo giới thiệu về dự án và chiến lược truyền thông toàn diện nhằm truyền tải các nguyên tắc của kế hoạch ĐBSCL đến 13 tỉnh, thành trong khu vực. Với thông điệp "Tương lai của Đồng bằng nằm trong tay chúng ta", chiến lược truyền thông được xây dựng nhằm định hướng thực hiện truyền thông bao gồm các chương trình đào tạo giảng viên và hội thảo tập huấn cho các đại biểu đến từ 13 tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL.

Mục tiêu chính của Hội thảo nhằm giới thiệu về Dự án và chiến lược truyền thông toàn diện nhằm truyền tải các nguyên tắc của Kế hoạch ĐBSCL đến 13 tỉnh, thành thuộc ĐBSCL. Với thông điệp "Tương lai của Đồng bằng nằm trong tay chúng ta", chiến lược truyền thông được xây dựng nhằm định hướng thực hiện các chiến dịch truyền thông bao gồm các chương trình đào tạo giảng viên và hội thảo tập huấn cho 13 tỉnh, thành tại ĐBSCL.

Ông Carel Richter, Tổng Lãnh sự Hà Lan phát biểu

Phát biểu tại hội thảo, Tổng lãnh sự Vương quốc Hà Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh Carel Richter nhấn mạnh: Được soạn thảo từ năm 2013 trong khuôn khổ thoả thuận giữa Chính phủ Hà Lan và Chính phủ Việt Nam, kế hoạch ĐBSCL là tài liệu tham khảo, định hướng cho Chính phủ Việt Nam đề ra những nguyên tắc về phát triển bền vững, trong đó cân nhắc đến hai yếu tố phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường.Theo ông Carel Richter, cho đến nay, Kế hoạch ĐBSCL đã nhận được sự ủng hộ từ các cấp lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam, các nhà tài trợ và đối tác thực hiện...Tuy nhiên, nhận thức và hiểu biết của cấp cơ sở các cơ quan nhà nước và cộng đồng về nguyên tắc và khuyến nghị của Kế hoạch ĐBSCL còn nhiều hạn chế. Việc nâng cao nhận thức và tạo được sự đồng thuận của các cấp cơ sở đối với nguyên tác này sẽ góp phần tăng thêm hiệu quả của Kế hoạch đối với sự phát triển ĐBSCL.

Khu vực ĐBSCL có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đóng góp 18% trong tổng số GDP quốc gia với các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản... Tuy nhiên, tương lai của vùng đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long được nhận định là một trong 5 khu vực đồng bằng bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu trên thế giới.

PGS.TS Trần Trung Tính, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thơ cho biết, Kế hoạch ĐBSCL đã đề xuất các nguyên tắc hỗ trợ phát triển bền vững, thích ứng với những thách thức do BĐKH đã, đang và có thể xảy ta cho vùng.  Kế hoạch này sẽ giúp vùng kiến tạo, phát triển bền vững, thịnh vượng trên cơ sở chủ động thích ứng, chuyển hoá được những thách thức, biến thách thức thành cơ hội, bảo đảm được cuộc sống ổn định và khá giả cho người dân cũng như bảo tồn được những giá trị truyền thống, văn hoá của người dân trong vùng trước những thách thức của BĐKH.

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Dự án  "Chiến lược truyền thông kế hoạch ĐBSCL" do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Các đối tác thực hiện Dự án gồm: UNESCO-IHE, Trường ĐHCT, IUCN Việt Nam, Water NL, Fresh Studio, Hội Nông dân Việt Nam, Royal Haskoning DHV, ĐH Wageningen và KnowH2O./.

bdkhtravinh.vn