Từ đầu năm 2018, Ban Điều phối Dự án AMD Bến Tre (PCU) đã tập trung công tác chuẩn bị để triển khai kế hoạch công tác, ngân sách năm 2018 đạt kết quả tốt và hướng đến các đối tượng hưởng lợi của dự án. Việc giao kế hoạch và vốn thực hiện hoạt động cụ thể gắn với từng kết quả đầu ra cho các đơn vị thực hiện dự án cấp tỉnh, UBND 8 huyện và 30 xã dự án được thực hiện sớm hơn năm 2017. Sau đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm, đến nay kết quả được cải thiện đáng kể; đã giải ngân khối lượng thực hiện 9 tháng khoảng 92,338 tỷ đồng, đạt 56,44% kế hoạch năm 2018.
Tuy nhiên, các hoạt động dự án triển khai vẫn còn chậm và đạt khối lượng tương đối thấp so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân do phải tập trung hoàn thành và quyết toán các hoạt động năm 2017 và công tác phân bổ hoạt động, kinh phí, hướng dẫn triển khai các hoạt động dự án. Ngoài ra, việc tổ chức triển khai các hoạt động dự án chưa đồng bộ, chưa chủ động trên tinh thần “tăng tốc”. Đối với các huyện có tập trung cho công tác tổ chức hội thảo, tập huấn hướng dẫn về lập đề xuất tài trợ, nhưng chậm xúc tiến đề xuất, thẩm định, xét chọn tiểu dự án; chưa có sự phối hợp, lồng ghép hoạt động của dự án vào các chương trình mục tiêu quốc gia. Một số huyện chưa chủ động đề xuất doanh nghiệp tiếp cận Quỹ PPP; hoạt động liên kết vùng nguyên liệu và gắn kết tạo việc làm cho nông dân của các doanh nghiệp PPP còn chậm, do doanh nghiệp chưa chủ động, tập trung triển khai công việc.
Mô hình đan cọng nhựa tại xã Tiên Long. (Ảnh: Thu Huyền)
Giám đốc Dự án AMD Bến Tre Nguyễn Khắc Hân cho biết: Trong 3 tháng còn lại của năm 2018, PCU Bến Tre quyết tâm, nỗ lực tối đa, tăng cường hỗ trợ và phối hợp với các bên liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, chuẩn bị tốt cho kỳ đánh giá hàng năm của nhà tài trợ IFAD. Để thực hiện đạt mục tiêu đó, PCU Bến Tre tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các hoạt động theo những hợp phần như sau: Phát triển các nghiên cứu, mô hình canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu (tiếp tục theo dõi 20 mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu chuyển tiếp từ năm 2016 và 2017); phê duyệt và cấp vốn cho các mô hình mới (mô hình ủ phân hữu cơ bằng hệ thống ASP, mô hình ủ chua thức ăn cho bò, mô hình tận dụng bùn đáy ao để làm phân bón). Tiếp tục thực hiện đề tài sản xuất lúa hữu cơ trên vùng canh tác lúa - tôm tại huyện Thạnh Phú chuyển tiếp từ năm 2017; triển khai mô hình nghiên cứu quy trình ủ phân hữu cơ từ vỏ trái chôm chôm; thực hiện đề tài lập bản đồ đất và phân loại đất cho huyện Thạnh Phú.
PCU Bến Tre sẽ phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức 4 chuyến học tập kinh nghiệm mô hình sản xuất hiệu quả; phối hợp với các huyện tổ chức các cuộc hội thảo giới thiệu những mô hình thành công của dự án làm đầu vào cho Quỹ CFAF. Tiếp tục thực hiện các hoạt động nâng cấp 8 chuỗi giá trị cấp tỉnh và 10 chuỗi giá trị cấp huyện; theo dõi hoạt động tư vấn hỗ trợ kỹ thuật phát triển chuỗi giá trị; tiếp tục thực hiện hoạt động chứng nhận GAP cho sản phẩm bưởi da xanh và chôm chôm, chứng nhận GlobalGAP cho sản phẩm xoài tứ quý tại huyện Thạnh Phú, chứng nhận VietGAP cho sản phẩm tôm biển xã Vĩnh An, huyện Ba Tri và chứng nhận VietGAP cho sản phẩm heo tại huyện Mỏ Cày Nam.
“Các sở, ngành tỉnh và huyện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hoạt động được phân cấp và các hoạt động phối hợp với PCU, nhất là Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các huyện, xã cần vận động, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức đoàn thể như nông dân, phụ nữ, thanh niên trong việc đề xuất các tiểu dự án CFAF, mô hình nông dân giỏi dạy nông dân và nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả kinh tế - xã hội” - Ông Nguyễn Khắc Hân nhấn mạnh.
Dự kiến, trong 3 tháng cuối năm 2018, PCU phấn đấu điều phối thực hiện và giải ngân lũy kế đạt 87,39% kế hoạch công tác và ngân sách năm với kinh phí giải ngân khoảng 50,64 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay IFAD 13,46 tỷ đồng, vốn tài trợ IFAD 16,19 tỷ đồng, vốn đối ứng Trung ương 11,29 tỷ đồng, vốn đối ứng của tỉnh 2,12 tỷ đồng, vốn đối ứng của người hưởng lợi 7,58 tỷ đồng.